GIÁO VIÊN MẦM NON NGỒI MÁT...ĂN BÁT VÀNG
Ai cùng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Hôm trước đi ăn cỗ, tôi gặp một chị người quen bên Nội của đàng Ngoại. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, chị hỏi tôi:
Chị: Mày bây giờ làm gì?
Tôi: Em vẫn là giáo viên mầm non chị ơi
Chị: Thế là sướng, chả phải làm đéo gì, chỉ “ Ngồi mát ăn bát vàng” mỗi tội lương thấp. Sao không bỏ mẹ đi mà làm cái khác?
Tôi đơ ra, thật không biết nói gì, miếng thịt tôm còn đang nhai dở trong miệng trở nên đắng chát, mâm cỗ cũng không còn mùi vị…
Tôi buồn, buồn kinh khủng, buồn không phải vì lương thấp, hay “không bỏ mẹ đi mà làm cái khác”…mà tôi buồn vì hoá ra giữa thời buổi công nghệ 4.0, khi mà nhà nước đang kêu gọi “ số hoá”, khi mà trình độ hiểu biết, nhận thức của người dân ngày càng tăng cao, người người nhà nhà đều dùng máy tính, ipad, điện thoại thông minh thì vẫn còn có những người có suy nghĩ giống như chị ấy – là cái kiểu nhìn nhận, đánh giá về nghề Giáo viên mầm non một cách phiến diện, chủ quan…nghe có vẻ am hiểu lắm mà thực chất chả hiểu cái quái gì.
Có một sự nhầm lẫn và tưởng bở không hề nhẹ
Ơ, nhưng mà nghề chúng tôi là làm gì nhỉ? Có phải ngồi mát ăn bát vàng như chị ấy nói không?
Xin thưa
1. Chúng tôi làm việc như một nhà giáo dục, những kĩ sư tâm hồn đích thực: Ngày dạy các con tất tần tật các hoạt động, việc to tới việc nhỏ, câu ngắn tới câu dài, cảm ơn và xin lỗi…. Để các con nhận biết được màu xanh với màu đỏ, gia súc với gia cầm, đâu là hình và đâu là khối, phía trái hay phía phải, buổi sáng hay buổi chiều, hôm qua với hôm nay, đong, đo, so sánh, thêm và bớt…. Dạy trẻ biết cầm sách đúng chiều, phát âm tròn tiếng, cầm bút đúng kiểu, ngồi đúng tư thế để viết những đường nét, con chữ đầu tiên… Rồi hát, múa, thơ ca, vẽ tranh, kể chuyện… gấp áo gấp quần, đánh răng, rửa mặt… cư xử thế nào khi gặp người già, em nhỏ, người lạ, người quen. Làm gì khi gập vật, nơi, tình huống nguy hiểm… vệ sinh thân thể, bảo vệ môi trường, bảo vệ cơ thể thế nào trước thời tiết đổi thay, biết ăn gì và không nên ăn gì để tốt cho sức khoẻ… dạy trẻ vận động đi, chạy, nhảy, lăn, lê, bò, trườn… thế nào cho phát triển toàn thân… Đêm về thì soạn giáo án, làm đồ dùng, sinh hoạt chuyên môn, chuẩn bị bài cho hội thi, hội giảng… Nhiều lắm, chúng tôi dạy trẻ nhiều lắm… có kể vài ngày cũng chưa chắc đã hết đâu.
2. Chúng tôi làm việc từ sáng tới chiều tối như 1 lao công: lau quét nhà, kê bàn, xếp ghế, giặt khăn, rửa cốc, đổ bô, cọ rửa bồn cầu, trải chiếu, gấp chăn, thay quần áo, lau người … cho trẻ tè dầm, nôn chớ, đi ngoài…
3. Chúng tôi làm việc như một nghệ sĩ chân chính: Hát, múa, nhảy, đọc thơ, kể chuyện, diễn hài, hát ru, ảo thuật, múa rối, lồng tiếng, ngâm thơ…
4. Chúng tôi làm việc như một luật sư, một thẩm phán của phiên toà tối cao: bào chữa, biện hộ, hoà giải, phán xử, thi hành án… khi trẻ tranh giành đồ chơi, cãi nhau, oánh lộn, thưa gửi linh tinh các kiểu, các kiểu…. và xử lý ăn vạ không đúng quy trình
5. Chúng tôi làm việc như một nhà thám tử tài ba, một cảnh sát cơ động tinh anh và thần tốc: Tìm ra “thủ phạm” đái dầm, đi vệ sinh không xả nước, ném cả cuộn giấy của cô vào bồn cầu, úp cốc không đúng vị trí, khăn mặt phơi không đúng kiểu, ăn vụng đồ ăn của bạn, giấu đồ dùng của cô, giấu đồ chơi của bạn, đổ nước ra sàn nhà, hái trộm hoa ở góc thiên nhiên, bẻ cụt tay em búp bê, vẽ bậy lên tường…. vân vân và mây mây
6. Chúng tôi làm việc như một vệ sĩ, một bảo kê có tiếng: Đảm bảo an toàn về sức khoẻ, tính mạng của 30-40 trẻ của một lớp trong suốt thời gian trẻ ở trường, cho tới khi các con vui vẻ ra về trong vòng tay ông bà, bố mẹ
7. Chúng tôi làm việc như một bác sĩ, một cô y tá chuyên nghiệp: Thăm khám ban đầu ( xem xét, quan sát, sờ nắn…), xác định mức độ, nguyên nhân và đề ra giải pháp: xoa dầu, nghỉ ngơi, chờm nóng lạnh, gọi điện cho “tuyến trên” và mang cháu tới cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện: sặc, nghẹn, sốt cao, co giật, chảy máu mũi, miệng tai… gãy tay, chân… hoảng loạn hay ngất xỉu.
8. Chúng tôi làm việc như những nhà tâm lý và chuyên gia tư vấn lỗi lạc: Động viên, khích lệ, tuyên dương, khen thưởng khi trẻ làm tốt, đưa ra ý tưởng, hướng đi, phân tích điểm mạnh, yếu để trẻ chọn lựa và quyết định khi trẻ còn băn khoăn, chỉ ra đúng sai, hành vi và hậu quả khi trẻ làm chưa đúng. Tôn trọng, lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu trẻ nhiều hơn…
9. Chúng tôi làm việc như một người bạn đồng hành cùng trẻ: Ở với trẻ nhiều hơn cả với gia đình, người thân. ngày nào cũng “ giáp lá cà” nên “ để chung sống hoà bình” thì cô và trẻ phải thấu hiểu, tôn trọng, công bằng và hợp tác. Tất cả phải lấy mục tiêu” một người vì mọi người”. Cô phải là người bạn chơi lý tưởng, san sẻ đồng hành với trẻ để trẻ hoàn toàn yên tâm “ chơi” cùng cô và “ nói hết” những gì mà trẻ đang nghĩ.
10. Chúng tôi làm việc như 1 thợ thủ công lành nghề, một trưởng phòng kinh doanh sản xuất ra hàng loạt đồ dùng, đồ chơi tự tạo đẹp mắt, mới lạ… từ các nguyên vật liệu thiên nhiên và các đồ dùng phế thải…
11. Chúng tôi làm việc như những nhà biên kịch, đạo diễn, biên đạo múa tài ba dàn dựng lên những tác phẩm tuyệt vời, những nhà tổ chức, hướng dẫn viên du lịch hay những MC duyên dáng trong mọi sự kiện của trường, của lớp, một nhà dinh dưỡng học, vệ sinh học… hay 1 đầu bếp tài hoa trong ngày hội ẩm thực của các con…
12. Chúng tôi làm việc như những nhà quay phim, nhiếp ảnh gia có tiếng luôn ghi lại những hình ảnh, những thước phim chân thực từ những hoạt động hàng ngày của trẻ để lưu giữ những kỷ niệm vô giá của tuổi thơ…
13. Chúng tôi làm việc như những kỹ sư công nghệ, những lập trình viên sáng giá sử dụng thành thạo CNTT để áp dụng vào giảng dạy: Cũng lập kênh youtobe, quay video bài dạy, thiết lập trò chơi tương tác, làm giáo án điển tử, trình chiếu pp, xây dựng giáo án thông minh elearning… Rồi Cập nhật đủ các phần mềm, các nền tảng công nghệ, ứng dụng mới nhất của thời đại 4.0 để mình không bỏ lại phía sau cũng như có đủ kiến thức, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thu hút trẻ trong thời đại số như Zoom, Teams, Google classroom, Trans, google form, canva…
14. Chúng tôi làm việc như một người mẹ hiền: Ôm, bế, đón con mỗi sáng, chuẩn bị “ hành trang” vệ sinh sạch sẽ, bịn rịn chia tay các con khi chiều về. Động viên, xoa dịu, dỗ dành, cưng nựng… khi bé dỗi hờn. Nghiêm túc, dăn dạy, kỷ luật… khi bé phạm nội quy. Cười khi con vui, đau khi con khóc, khó chịu khi con mệt, bị ấm ức, tủi thân… đồng cảm, sẻ chia với những tâm sự “ ngây ngô, đơn giản nhưng lại vô cùng to tát” của con trẻ. Rồi bón cho con ăn, chăm khi con sốt, quạt khi con nóng, lạnh lại đắp chăn, hiểu cả tính cách, nết ngủ, nết ăn… điểm mạnh, điểm yếu của các con mình. Chỉ mong sao khi bên cô, các con được bình an, vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày. Đó chẳng phải là mong mỏi của mỗi bà Mẹ hay sao? Không phải Mẹ, không phải Mẹ sao trẻ lại xưng “con”. Sẵn sàng ôm cổ, bá vai, thơm má, xà vào lòng cô mà thút thít? Trẻ đã xưng là “con”- thiêng liêng lắm, vậy thì “ cô như mẹ” là đúng rồi, không có công sinh cũng có công dưỡng dục, dù thời gian trẻ ở bên cô chẳng là gì so với cuộc đời của trẻ, có thể chỉ một thời gian nữa thôi, trẻ sẽ quên đi cô- người mẹ thứ hai đã ở bên con suốt những năm tháng đầu đời này, quên đi tất cả những kỉ niệm về lớp mầm non để tiếp nhận thêm những điều mới lạ… nhưng lúc này đây, thế giới của các con còn nhỏ lắm, đơn giản và trong sáng lắm…với con, cô như hình mẫu, hay một cái gì đó rất gần gũi, thân thương…Vậy nên hãy để tình cảm “ cô- trò, mẹ - con” này như một miền cổ tích đẹp tươi, một dạng “ của hồi môn”, một bước đệm, một kho báu tinh thần để con vững vàng, tự tin bước đi và bước tiếp vào đời.
15. Và… hơn cả… chúng tôi làm việc xuất phát từ cái tâm, từ tình yêu thương và trách nhiệm với nghề. Khi tôi đang viết những dòng này, tivi nhà hàng xóm vẫn mở âm thanh rất to “ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai, ai cũng một thời trẻ trai…”. Vậy tôi xin lấy luôn câu hát ấy làm lời kết cho những cảm xúc ngổn ngang hỗn loạn nhưng rõ ràng trong lòng tôi bây giờ. Chúng tôi- những giáo viên trường MN Liên Nghĩa nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung còn nhiều khó khăn lắm, vất vả lắm, áp lực lắm… nhưng chúng tôi yêu nghề, yêu người, yêu các con tôi, yêu những em bé ngây thơ, hồn nhiên đáng yêu và ngộ nghĩnh. Yêu thế giới trẻ thơ đầy ắp tiếng cười, không xô bồ, hỗn loạn….yêu cả những công việc “ bình thường” mà có thể có ai đó “ coi thường”. Bởi chúng tôi luôn tâm niệm” yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu”.
Xin hãy tôn trọng, hợp tác, thấu hiểu và tin tưởng chúng tôi. Để chúng tôi không còn chạnh lòng khi thấy “ Mùa xuân ai đi hái hoa, còn chúng tôi đi nuôi dạy trẻ” nữa. Các bạn nhé!